Pác Nặm tổng kết, đánh giá dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) giai đoạn 2018-2024

Sáng 16/7, UBND huyện Pác Nặm tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) huyện Pác Nặm giai đoạn 2018-2024. Đồng chí Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện dự và chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ trên địa bàn huyện Pác Nặm được triển khai thực hiện tại 10/10 xã với 4 hợp phần, gồm: Quy trình lập kế hoạch có sự tham gia được thể chế hóa; một ngành nông nghiệp xanh hơn trong tương lai; các nông hộ và trang trại có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường; điều phối dự án.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế của địa phương, huyện Pác Nặm đã ban hành các văn bản, Quyết định triển khai, phát triển các chuỗi giá trị trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để triển khai thực hiện hỗ trợ các hoạt động đã đề ra. Từ năm 2018 đến nay, ban điều phối dự án CSSP huyện đã hỗ trợ thành lập, tài trợ cho 170 tổ hợp tác với tổng 2.083 hộ hưởng lợi. Trong đó, có 672 hộ nghèo (chiếm 32%) và 380 hộ cận nghèo (chiếm 18%), dân tộc thiểu số gồm 2.061 hộ chiếm 98,94%. Tổng số tiền IFAD đã tài trợ cho các tổ hợp tác là hơn 8,8 tỷ đồng và người hưởng lợi đối ứng là trên 10,3 tỷ đồng. Các tổ hợp tác chủ yếu tập trung sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện, xã như: cây gừng, trâu, bò, lợn đen bản địa. Một số tổ có liên kết với các chủ cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn huyện để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, điều đó đã giúp cho các thành viên trong tổ chủ động hơn về đầu ra sản phẩm đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp có nguồn đầu vào ổn định.

Tiến hành tập huấn nâng cao năng lực về công tác lập kế hoạch MOP – SEDP cấp xã và những kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường cho cán bộ cấp huyện và 10 xã với 40 người tham gia. Quy trình MOP – SEDP đã được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, triển khai tại 10/10 xã và 113 thôn với 6.773 hộ gia đình tham gia, trong đó 3.792 hộ nghèo (chiếm 55,99%), 1.106 hộ cận nghèo (chiếm 16,33%), 3.786 hộ DTTS (chiếm 55,90%).

Đến nay, dự án đã hoàn thành mục tiêu ban đầu về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn 06 xã (Bộc Bố, Cao Tân, Cổ Linh, Bằng Thành, Nghiên Loan, Công Bằng). Kết quả, dự án đã thực hiện giao trên 7.400 ha đất lâm nghiệp, cấp 7.404 giấy chứng nhận cho 3.238 hộ gia đình (trong đó 1.564 hộ nghèo, 542 hộ cận nghèo).

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ huyện Pác Nặm được triển khai đã phần nào làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Để tiếp tục phát huy hiệu quả Dự án, thời gian tới, huyện Pác Nặm tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá mức độ phù hợp của các hoạt động đầu tư trong các VCAP cấp huyện, xã đã phê duyệt làm cơ sở tham mưu đề xuất điều chỉnh kế hoạch thực hiện của từng VCAP cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; nâng cao năng lực quy trình lập kế hoạch MOP – SEDP; tiếp tục ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu khác để hỗ trợ các THT phát triển lên các tổ chức kinh tế cao hơn. Tập trung mọi nguồn lực và thực hiện có hiệu quả chiến lược kết thúc dự án đã được nhà tài trợ và Ban Chỉ đạo dự án phê duyệt, đảm bảo các kết quả và công cụ của dự án được chia sẻ, duy trì bền vững…/.

Nguồn cổng thông tin điện tử Pác Nặm

Bài trướcRa mắt mô hình “đoạn suối tự quản” thôn Nà Lẩy, xã Bộc Bố
Bài tiếp theoCÔNG AN XÃ NHẠN MÔN RA MẮT MÔ HÌNH CAMERA AN NINH TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN XÃ